logo Nhện Shop

GALLERY: ÁO ĐẤU VÀ LỊCH SỬ MANCHESTER UNITED (P.1)

Đăng bởi Phát vào lúc 31/07/2023
Manchester United, là CLB có sức hút lớn bậc nhất hành tinh, ở mọi nơi trên khắp thế giới, lượng người hâm mộ MU luôn luôn chiếm một số lượng cực kì lớn. Chính vì lẽ đó, những chiếc áo đấu của Manchester United (MU) luôn là một chủ đề nội bật, luôn đem lại doanh thu thuộc hàng top đầu cho các nhà sản xuất, không chỉ những mẫu áo của mùa giải mới, mà những mẫu đã lên kệ trong quá khứ cũng đem lại sức hút cực kì lớn. Vậy nên ở thời điểm hiện tại, nhiều tín đồ áo đấu không chỉ chờ đón những mẫu áo mới, mà còn có sở thích mang về cho mình những chiếc áo đấu "cổ điển", tạo nên những bộ sưu tập mang đầy sự giá trị về mặt tinh thần lẫn hiện kim. Vậy nên trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các mẫu áo đấu và những câu chuyện lịch sử của Manchester United, một phần có thể tăng thêm kiến thức, một phần khác, bài viết có thể trở thành một tham chiếu cho những anh em mong muốn sở hữu những bộ sưu tập áo đấu MU sau này.
 

 

1878-1902: NEWTON HEATH - TIỀN THÂN CỦA MANCHESTER UNITED

Các mẫu áo đấu của Newton Heath từ giai đoạn 1878-1902, được mô phỏng theo các ghi chép cũ (Nguồn: Football Kit Archive)

Năm 1878, tiền thân của Manchester United - đội bóng Newton Heath được thành lập bởi công ty đường sắt Lancashire & Yorkshire Railway, chủ yếu là để các công nhân tại nhà ga có thể tham gia các giải đấu để thỏa lòng đam mê bóng đá. Thời điểm ban đầu, khái niệm đồng phục thi đấu vẫn còn rất sơ khai, chưa có logo hay nhà tài trợ, các đội bóng thường tự may áo đấu và màu sắc vẫn chưa phải là cố định, dù vậy màu vàng - xanh lá được xem như màu sắc truyền thống của Newton Heath.

Hình ảnh giai đoạn này có không nhiều, hầu hết là trắng đen tương ứng với các màu sắc đã được mô phỏng, dưới đây là một số hình ảnh của Newton Heath:

1887-88 Newton Heath giành Manchester and District Challenge Cup sau khi đánh bại Denton 7-1 trong trận chung kết. Đây là giải đấu mà Newton Heath đã vào chung kết 4 lần liên tiếp và 2 lần lên ngôi vô địch. Áo đấu của mùa giải 1887-88 có áo màu trắng - đỏ và quần xanh navy.

 

Mùa giải 1892-93 là mùa giải đầu tiên Newton Heath được tham dự Division 1, áo đấu vẫn là mẫu áo trắng - đỏ đi với quần và tất xanh navy. Đây là mùa giải không thành công với đội bóng khi đứng cuối bảng và bị loại khỏi FA Cup ngay từ vòng 1.

 

Mùa giải 1895-96, Newton Heath chỉ cán đích thứ 6 tại giải Division 2 và không thể thăng hạng lên Division 1. Tại FA Cup, đội bóng bị loại tại vòng 2 sau trận thua 5-1 khi gặp Derby County. Bộ trang phục thi đấu của giai đoạn này có áo màu xanh lá và quần trắng.

 

Mùa giải năm 1896-97 với áo đấu màu trắng, quần và tất đều màu xanh navy. Đây là mùa giải Newton Heath đã cán đích ở vị trí thứ 2 của Division 2, tuy nhiên lại không thể vượt qua Sunderland ở vòng play-off thăng hạng. Bị Derby County loại ở vòng 3 FA Cup, thất bại trước Burnley tại vòng 2 Lancashire Cup và thua Bury trong trận bán kết Manchester Cup.

 

1902-1972: BIẾN ĐỘNG, BỜ VỰC VÀ HỒI SINH

Các mẫu áo đấu của Newton Heath từ giai đoạn 1902-1972 (Nguồn: Football Kit Archive)

Đầu thế kỷ 20, với thành tích không nổi bật cùng khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng trầm trọng, Newton Heath bị tuyên bố phá sản, sân nhà bị đóng cửa, đội trưởng lúc bấy giờ là Harry Stafford đã phải vay mượn mọi thứ có thể để trang trải các chi phí thi đấu cho đội. May mắn thay, khi đứng trên bờ vực phải giải thể, đội bóng đã được cứu bởi một ông chủ nhà máy bia tại địa phương - John Henry Davies. Tương truyền rằng ông ấy đã vô tình tìm thấy chú chó đi lạc của đội trưởng Stafford, và sau khi nghe về tình cảnh của đội, ông đã quyết định tham gia cùng Newton Heath.

Tháng 3/1902, Davies đã tập họp một nhóm các doanh nhân cùng đầu tư và xóa nợ cho Newton Heath, cứu đội bóng khỏi cảnh phá sản. Một trang mới đã mở ra với đội bóng, lúc này Newton Heath không còn là đội bóng của công ty đường sắt Lancashire & Yorkshire Railway, nên đội bóng cần một cái tên mới, bản sắc mới. Đã có một vài phiên bản như Manchester Celtic hay Manchester Central được đề xuất, nhưng những cái tên trên đều bị loại bỏ, sau cùng giám đốc Louis Rocca đề xuất Manchester United và được thống nhất. Ngày 26/4/1902, đội bóng công bố chính thức đổi tên thành Manchester United, lấy màu áo đỏ và quần trắng làm màu sắc chủ đạo.

Ông chủ Davies đã đem về cho MU lúc bấy giờ nhiều cái tên nổi bật, HLV Ernest Mangnall, đội trưởng Charlie Robert, cầu thủ chạy cánh Billy Meredith, tiền đạo Sandy Turnbull... Những cái tên trên đã góp phần không nhỏ giúp MU trở lại Division 1 (tiền thân của EPL) vào năm 1906-07, đoạt cúp vô địch giải đấu và Charity Shield (Community Shield ngày nay) năm 1907-08, cả hai danh hiệu đều là lần đầu tiên trong lịch sử CLB. Tiếp tục tới mùa giải 1908-09, MU giành danh hiệu FA Cup đầu tiên. Như vậy, chỉ 7 năm sau khi đứng trước bờ vực phá sản, Man United đã gặt hái toàn bộ danh hiệu cao nhất nước Anh lúc bấy giờ, từ đó mở ra truyền thống tồn tại trong xuyên suốt lịch sử CLB - mãi mãi trường tồn và sẽ luôn trở lại mạnh mẽ bất chấp khó khăn.

John Henry Davies - vị cứu tinh khi Newton Heath rơi vào cảnh phá sản. Ông giúp đội bóng thoát khỏi khó khăn, khai sinh ra cái tên Manchester United, đem về nhiều nhân tố để mở ra giai đoạn thành công đầu tiên của đội bóng.

 

HLV Ernest Mangnall - ông được xem là HLV thành công thứ ba trong lịch sử Man United chỉ xếp sau Sir Matt Busby và Sir Alex Ferguson. Cùng với những bản hợp đồng chất lượng, ông đã đưa MU lần đầu tiên gặt hái được những danh hiệu cao quý nhất lúc bấy giờ.

 

Trung vệ Charlie Roberts trong bộ trang phục áo đỏ, quần trắng, tất đen. Ông đến với CLB với giá £600 và là đội trưởng của đội bóng dưới thời của HLV Mangnall. Charlie Roberts nổi tiếng là một trung vệ nhanh nhẹn, kỹ thuật và có độ quái trong lối chơi của mình. Ông đã cùng những đồng đội mang về cho MU những danh hiệu đầu tiên trong lịch sử đội bóng.

 

Tiền vệ cánh phải Billy Meredith - ông được xem là một trong những siêu sao đầu tiên của bóng đá với những màn trình diễn đỉnh cao trong màu áo của Manchester City và Manchester United. Ông chuyển tới MU vào năm 1906, sau khi kết thúc lệnh cấm thi đấu 1 năm vì liên quan tới hối lộ dàn xếp tỉ số. Tuy vậy, với đẳng cấp của mình, ông đã giúp đội bóng gặt hái nhiều vinh quang trong thời kỳ đầu của cái tên Manchester United.

 

Tiền đạo Sandy Turnbull, giống với Billy Meredith, ông chuyển đến Manchester United từ Manchester City và cũng góp công lớn trong các chức vô địch của đội bóng trong giai đoạn này. Ông là người ghi bàn thắng duy nhất trong trận chung kết với Bristol City, mang về chức vô địch FA Cup đầu tiên cho CLB vào năm 1909. Thi đấu trong màu áo Quỷ Đỏ 9 năm (1906-1915), Sandy Turnbull ghi 90 bàn thắng sau 220 lần ra sân.

 

Mùa giải 1905-06, MU cán đích ở vị trí thứ 2 tại Division 2 và giành vé thăng hạng chơi Division 1 mùa kế tiếp. Trong suốt khoảng thời gian từ lúc thành lập cho đến khi bóng đá bị gián đoạn bởi Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Manchester United luôn thi đấu với bộ trang phục áo đỏ, cổ áo màu trắng, quần trắng và tất đen.

 

Mùa giải 1908-09, MU hoàn thành bộ sưu tập danh hiệu cao quý bậc nhất lúc bấy giờ với 2 chiếc cúp Division 1, Charity Shield 1906-07 và FA Cup 1908-09.

 

Mùa giải 1910-11, MU giành danh hiệu Division 1 lần thứ hai, nhưng cuối mùa giải đó HLV Mangnall đã chuyển đến dẫn dắt Manchester City. Và đây cũng là lần cuối cùng MU chạm đến vinh quang cho đến khi bóng đá bị tạm ngưng vì Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra.

 

Khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra vào năm 1914, các giải đấu bóng đá trên thế giới đều phải tạm ngừng, rất cầu thủ nhiều cầu thủ đã trở thành binh sĩ để ra trận và có không ít người hy sinh. Trong khoảng thời gian 1914-19, các giải đấu thuộc liên đoàn bóng đá không được tổ chức, thay vào đó chỉ có những giải đấu được thành lập trong khu vực, nhưng thành tích tại những giải đấu này không bao giờ được xem là chính thức trong hồ sơ của các cầu thủ và đội bóng tham gia.

Mùa giải 1918-19, Man United hoạt động trở lại sau khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc, tuy nhiên đội bóng phải vật lộn với rất nhiều khó khăn để tái xây dựng, phần lớn các cầu thủ đều đã để lại những năm tháng tươi đẹp nhất trên chiến trường. MU gặp nhiều rắc rối về lực lương khi HLV Ernest Mangnall và ngôi sao Billy Beredith rời đội bóng để đến với Man City, và sau đó là rơi xuống giải đấu hạng hai Division 2 ở mùa giải 1922-23.

Trong thời kỳ suy thoái này, một ngôi sao đã lóe lên tại sân Old Trafford, tiền đạo cánh phải Joe Spence, cho đến nay, ông vẫn là cầu thủ ghi bàn nhiều thứ 8 trong lịch sử Man United với 168 bàn thắng sau 510 trận đấu, ông được các fan Quỷ Đỏ thời bấy giờ gọi với cái tên "Mr. Soccer". Mãi tới mùa giải 1924-25, MU mới về nhì tại Division 2 và được thăng hạng. Mùa giải kế tiếp Man United tiến vào bán kết FA Cup và thua Man City với tỉ số 3-0.

Mặc dù đây là thời kỳ phải ngụp lặn ở giải hạng hai, nhưng Joe Spence vẫn là một trong những chân sút tài năng nhất đội bóng. 168 bàn thắng sau 510 trận đấu, ông là chân sút ghi bàn nhiều thứ 8 trong lịch sử CLB.

 

Mẫu áo đấu của Man United trong giai đoạn 1922-1927 có thiết kế lạ mắt hơn so với thông thường. Áo và quần có màu trắng, trên áo có hình chữ V màu đỏ, cùng với tất màu đen.

 

Thi đấu không nổi bật ở Division 1 trong nhiều năm liền, Manchester United đã đón nhận một nỗi đau lớn khi vị cứu tinh 20 năm trước là John Henry Davies qua đời ở tuổi 63 - sau 3 năm liền vật lộn với bệnh tật. Đội bóng tiếp tục xuống hạng một lần nữa sau khi xếp cuối bảng Division 1 vào mùa giải 1930-31, bắt đầu khoảng thời gian mà MU lên xuống liên tục giữa Division 1 và 2.

Cuối những năm 20, suy thoái kinh tế toàn cầu đẩy cả thế giới vào cảnh khó khăn và Man United cũng không thể tránh khỏi điều đó. Chỉ sau 3 năm vị cố chủ tịch qua đời, với thành tích thi đấu tồi tệ, bị đè nặng bởi khó khăn tài chính, không có khả năng trả lương cho nhân viên trong nhiều tuần, số lượng thành viên ngày càng ít đi, một lần nữa, Manchester United đứng trước bờ vực phá sản. 

Và rồi số phận lại một lần nữa đứng về phía United, khi vị cứu tinh thứ hai xuất hiện - James William Gibson - một doanh nhân thành đạt sinh ra tại Salford, đã quyết định cứu lấy đội bóng của địa phương mình. Ông cung cấp cho United chi phí trang trải qua thời kỳ khó khăn, sau khi chính thức nắm quyền điều hành chính thức vào năm 1932, ông đã xóa toàn bộ nợ nần và CLB lại được cứu sống. Gibson sau đó đã đưa ra nhiều thay đổi quan trọng, một trong những thành tựu lớn nhất của ông là thành lập CLB thể thao trẻ em Manchester United (Manchester United Junior Athletic Club - MUJAC). Cho đến hôm nay, MUJAC vẫn là một phần quan trọng gắn liền với đội bóng dưới cái tên Manchester United Academy.

James William Gibson - vị cứu tinh thứ hai của Manchester United, ông đã cứu lấy đội bóng khi đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Chính thức đảm nhận chiếc ghế chủ tịch vào tháng 1/1932, ông ngay lập tức xóa nợ cho đội bóng. Một trong những di sản lớn nhất của cố chủ tịch Gibson chính là học viện Manchester United ngày nay.

 

Tuy rằng được cứu khỏi tình cảnh ngặt nghèo, nhưng trong suốt giai đoạn này thành tích thi đấu của MU không hề nổi bật, CLB lên xuống nhiều lần giữa Division 1 và 2, cho tới khi bóng đá tiếp tục bị tạm hoãn do Chiến tranh Thế giới thứ hai. MU quay trở lại thi đấu ở các giải đấu địa phương trong thời kỳ chiến tranh và thành tích của giai đoạn này cũng không được ghi nhận chính thức. Vào khoảng 12/1940 - 3/1941, sân Old Trafford hầu như chỉ còn lại đống đổ nát dưới những cuộc ném bom từ quân đội Đức, United không thể thi đấu trên sân nhà cho đến khi việc tu sửa được hoàn thành vào 8/1949.

Sân Old Trafford tổn thất nặng nề dưới những cuộc ném bom từ quân đội Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Sau khi chiến tranh kết thúc, mãi đến 8/1949 việc tu sửa mới hoàn thành. Trong suốt thời gian xa nhà, Man United đã được sử dụng sân nhà của người hàng xóm Man City lúc bấy giờ để thi đấu.

 

Chiến tranh kết thúc vào năm 1945, Manchester United chuẩn bị bước vào giai đoạn hồi sinh rực rỡ dưới sự dẫn dắt của một trong những nhà cầm quân vĩ đại nhất lịch sử bóng đá, một huyền thoại của sân Old Trafford. Ngày 19 tháng 2 năm 1945, cựu cầu thủ của Liverpool và Manchester City, Matt Busby chính thức dẫn dắt Manchester United. 

HLV Sir Matt Busby - người đã mở ra một trong những giai đoạn thành công bậc nhất lịch sử Manchester United. Trong suốt quãng thời gian tại vị, ông cùng MU đã trải qua hàng loạt vinh quang, đau thương, nước mắt rồi trở lại vinh quang. Ông là huyền thoại, là một trong những biểu tượng của đội bóng này.

 

Giai đoạn 1945-1972 có thể nói là một khoảng thời gian đầy thành công cũng như đau thương của đội bóng. Mùa giải 1951-1952, sau 6 năm được dẫn dắt bởi Sir Matt Busby, MU cuối cùng đã có chức vô địch Division 1, danh hiệu mà đội bóng chỉ mới giành được 2 lần trong suốt 70 năm. HLV huyền thoại Sir Matt Busby đã sản sinh ra một loạt cái tên tài năng và được gọi với cái tên "Busby Babes". "Những đứa trẻ nhà Busby" đã đem về sân Old Trafford 2 chiếc cúp vô địch liên tiếp vào năm 1955-1956 & 1956-1957, trở thành đội bóng Anh đầu tiên góp mặt ở cúp châu Âu vào mùa giải 1957-1958.

Busby Babes - những đứa trẻ nhà Busby - lứa cầu thủ trẻ đầy tài năng xuất thân từ học viện của chính đội bóng. Thế hệ cầu thủ đã đưa Manchester United trở thành đội bóng vĩ đại nhất nước Anh thời bấy giờ, trở thành đại diện đầu tiên của nước Anh giành quyền tham dự cúp châu Âu. Kể từ năm 1945, thay vì tự may áo đấu như suốt gần 7 thập kỷ trước đó, lần đầu tiên Manchester United có nhà tài trợ áo đấu - UMBRO.

 

Tưởng chừng như đây sẽ là một hành trình đẹp đẽ khi MU đã đặt chân tới trận bán kết The European Cup (tiền thân của Champions League). Nhưng vào ngày 6 tháng 2 năm 1958 định mệnh, chuyến bay số hiệu BEA609 do 2 phi công James Thain và Kenneth Rayment điều khiển - trên đường trở về thành phố Manchester từ Belgrade (ở Serbia ngày nay), máy bay đã dừng chân tại Munich để tiếp thêm nhiên liệu nhưng không bao giờ có thể cất cảnh lên được nữa. Động cơ đã gặp phải sự cố khiến cho việc cất cánh gặp trở ngại, sau 2 lần thử không thành công, tới lần cất cánh thứ 3, chiếc máy bay đã phát nổ và lao xuống đường băng. Vụ nổ đã cướp đi 21 sinh mạng trong đó có 8 cầu thủ Roger Byrne (28 tuổi), Eddie Colman (21), Mark Jones (24), David Pegg (22), Tommy Taylor (26), Geoff Bent (25), Billy Whelan (22) và Duncan Edwards (22), phi công Kenneth Rayment, thư ký Walter Crickmer, trợ lý HLV Tom Curry, chủ tịch CLB Bert Whalley, các nhà báo thể thao của Daily Mail, Manchester Evening Chronicle, Manchester Guardian, Daily Mirror, Daily Express, Daily Herald…

Thảm họa Munich là sự đau thương tột cùng đối với Manchester United. Thế hệ tài năng bậc nhất trong hàng chục năm đã mãi mãi không thể trở về quê hương đầy đủ.

 

Sir Matt Busby là một trong những nhân chứng sống sót sau thảm họa. Tuy nhiên, những cầu thủ mà ông xem như những người con đã nằm lại mãi mãi ở Munich. Nhưng đầu hàng số phận chưa bao giờ là lựa chọn, ông sẽ luôn trở lại và tiếp tục giương cao ngọn cờ đỏ của Manchester United.

 

Bia tưởng niệm thảm họa Munich được đặt tại sân Old Trafford.

 

Sau thảm họa Munich, người ta cho rằng Manchester United không sớm thì muộn thì cũng sẽ đi đến vực thẳm. Nhưng trong lúc thập tử nhất sinh, HLV Sir Matt Busby đã nói với trợ lý Jimmy Murphy rằng: "Keep the red flag flying high - Hãy giữ cho ngọn cờ đỏ luôn bay cao", và câu nói này đã trở thành thông điệp vĩnh cữu của đội bóng, rằng dù như thế nào, cái tên Manchester United sẽ mãi mãi trường tồn.

Thật vậy, giống như 2 lần trước đó, lần thứ ba số phận vẫn không quay lưng với Man United, HLV Sir Matt Busby đã chiến thắng được tử thần. Ông trở lại, cùng với sự trưởng thành của cầu thủ Bobby Charlton - người cũng đã sống sót sau thảm họa Munich, cả hai đã đưa bầy Quỷ Đỏ hồi sinh mạnh mẽ hơn bao giờ hết và đánh dấu bởi chức vô địch FA Cup 1963. Sir Bobby Chalton trở thành nòng cốt giúp đội tuyển Anh lên ngôi vô địch World Cup 1966, ông cùng với Denis Law và George Best hợp thành bộ ba "The United Trinity: Law - Best - Chalton" trứ danh, giúp MU đoạt liền 2 chức vô địch quốc nội ở mùa giải 1965-66 và 1966-67. Sang đến mùa giải 1967-68, MU đã đánh bại Benfica 4-1 trong chung kết cúp châu Âu và trở thành CLB nước Anh đầu tiên lên ngôi vô địch tại đấu trường danh giá này. Cả nước Anh ngày hôm đó đều đứng đằng sau để tiếp thêm sức mạnh cho Man United, với những gì mà đội bóng này đã trải qua, họ muốn đội bóng này khẳng định sự trở lại trên toàn cõi châu lục. Và Manchester United đã làm được, chỉ 10 năm sau thảm họa Munich, bằng những con người mới và cả những con người đã đánh bại tử thần ngày hôm đó, họ đã đưa đội CLB trở thành đội bóng đứng trên đỉnh châu Âu.

Bobby Charlton trong bộ trang phục thi đấu mùa giải 1966-1967. Ông sỡ hữu 199 bàn thắng sau 606 lần ra cho Manchester United. Cùng Sir Matt Busby vượt qua tử thần tại Munich, trở lại mạnh mẽ và đưa CLB cùng đội tuyển Anh gặt hái hàng loạt vinh quang, cuộc đời của ông xem như gắn liền với Quỷ Đỏ mãi mãi.

 

George Best - một số 7 huyền thoại của đội bóng - trong bộ trang phục thi đấu mùa giải 1971-1972. Ông ghi được 137 bàn thắng sau 361 lần ra sân cho Man United.

 

Denis Law - King of Old Trafford, trong bộ trang phục thi đấu mùa giải 1972-73, mùa giải cuối cùng Law thi đấu cho United. ông là chủ nhân của Quả Bóng Vàng 1964, cùng với Sir Bobby Charlton và George Best trở thành bộ 3 The United Trinity huyền thoại trong lịch sử đội bóng cũng như bóng đá thế giới. Ông ghi 171 bàn thắng sau 309 lần ra sân cho CLB. Tuy rằng, sau khi gia nhập MC vào mùa giải 1973-74, ông là người đã ghi bàn thắng duy nhất khiến chính đội bóng cũ phải xuống hạng, nhưng đối với Man United ông vẫn luôn là một huyền thoại và không điều gì có thể thay đổi.

 

Sir Matt Busby và các học trò cùng với chiếc cúp châu Âu đầu tiên ở nước Anh. Đánh dấu sự hồi sinh mạnh mẽ của CLB sau thảm họa Munich, và là một lời khẳng định đanh thép rằng cái tên Manchester United sẽ không bao giờ lụi tàn bất kể khó khăn.

 

Tượng của The United Trinity: Best - Law - Charlton được đặt trước sân nhà Old Trafford để tri ân bộ 3 huyền thoại đã vực dậy đội bóng từ thảm họa Munich, tạo nên một trong những thời kỳ thành công bậc nhất lịch sử CLB.

 

(còn tiếp...)

 

 

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Giỏ hàng( Sản phẩm)

avatar
Xin chào
close nav