logo Nhện Shop

NHỮNG THẾ HỆ PHÔNG CHỮ VÀ HUY HIỆU TRONG LỊCH SỬ PREMIER LEAGUE

Đăng bởi Phát vào lúc 25/06/2023

Kể từ khi hình thành vào năm 1992, phông chữ (font) và huy hiệu (badge) của Premier League đã thay đổi nhiều lần trong suốt chiều dài lịch sử của giải đấu, cứ vài năm một lần, font và badge sẽ được làm mới hơn, đẹp hơn và hiện đại hơn.

Với những tín đồ yêu bóng đá, font và badge là những phần không thể thiếu khi mang về cho bản thân một chiếc áo đấu. Đối với badge, có nhiều loại, ví dụ như badge giải đấu (Premier League, La Liga, Serie A,...) , badge thông điệp (No room for racism, UEFA Foundation for children, Football Unites the World...), badge của các nhà vô địch,... Về font, hầu hết mỗi câu lạc bộ đều có bộ font được thiết kế riêng, tuy nhiên, nhằm gia tăng sự chuyên nghiệp về mặt hình ảnh, các giải đấu quốc nội sẽ tạo ra một bộ font áp dụng cho tất cả đội bóng tham dự. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những thay đổi của font và badge theo chiều dài lịch sử của giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh - Premier League (Ngoại Hạng Anh).

1992/1993: FONT VÀ BADGE TỰ DO - LẦN ĐẦU XUẤT HIỆN CỦA HỆ THỐNG SỐ ÁO (SQUAD NUMBERS)
Năm 1992, Premier League được hình thành. Ban đầu, không có bất kì phông chữ tiêu chuẩn nào được quy định cho các đội bóng, hầu hết mọi câu lạc bộ đều sử dụng kiểu chữ có sẵn do các nhà sản xuất áo đấu cung cấp và chưa có quy định in tên cầu thủ lên áo. 

Eric Cantona mang font số của Umbro trong trận gặp Leeds United năm 1992 (Source: David Davies/Offside)

Vào thời điểm đó, hệ thống số áo của đội hình (squad numbers) vẫn chưa ra đời, tất cả các đội đều mặc định mang số áo từ 1 đến 11. Điều này dẫn đến những trường hợp hi hữu khi đội hình có sự xáo trộn, điển hình là trong trận đấu giữa Arsenal với Liverpool vào năm 1989, khi HLV Geogre Graham chuyển từ đội hình 4-4-2 sang 5-4-1, Arsenal đã phải để một hậu vệ của mình là Steve Bould mặc áo số 10 (số áo thường dành cho các tiền vệ tấn công) để nhường lại số 5 cho trung vệ thứ ba là David O'Leary.

Arsenal ra quân với hậu vệ Steve Bould mặc áo số 10 vào năm 1989 (Source: Twiiter)

Lúc này, David Dein - đồng sở hữu và là phó chủ tịch của Arsenal (1983-2007) - là một trong những người đề xuất then chốt đem lại sự thay đổi mang tính đột phá - đưa hệ thống số áo vào sử dụng trong các trận đấu - tương tự như các giải thể thao tại Mỹ. Và trong trận chung kết League Cup 1993, các Pháo Thủ đối đầu với Sheffield Wednesday với sự xuất hiện lần đầu tiên của hệ thống số áo ở cả hai đội. Hệ thống này chính thức được đưa vào sử dụng ở mùa giải tiếp theo.
Badge Premier League mùa giải đầu tiên được thiết kế như một hình chữ nhật xếp chồng lên một hình tam giác ngược, với biểu tượng sư tử của giải đấu ở chính giữa kèm với tên gọi chính thức của giải đấu - THE F.A. PREMIER LEAGUE.

Badge Premier League mùa giải 1992/93 (Source: Google)

1993: HỆ THỐNG SỐ ÁO ĐƯỢC SỬ DỤNG, NHƯNG VẪN CHƯA PHẢI LÀ FONT PREMIER LEAGUE
Kể từ năm 1993, hệ thống số áo được chính thức áp dụng cho Premier League, các đội bóng bắt buộc phải đăng ký cầu thủ của mình cùng với số đi kèm, trên áo mỗi cầu thủ đều phải in đầy đủ tên và số. Tuy nhiên, font lúc này vẫn là do các nhà sản xuất áo đấu cung cấp riêng biệt cho từng CLB.
Các font chữ hầu hết đều sử dụng phong cách Serif, lấy cảm hứng từ font của các đội bóng bầu dục Mỹ những năm 90. Mùa giải 1994/95, font của nhà vô địch Blackburn Rovers được thiết kế bởi Asics, tương tự - font của Manchester United được thiết kế bởi Umbro, của Liverpool đến từ Adidas và của Arsenal đến từ Nike.

Các đồng đội ăn mừng cùng Alan Shearer khi anh ghi bàn vào lưới đội bóng cũ - Southampton trong mùa giải 1995/96 (Source: Ross Kinnaird/ALLSPORT)

Badge giải đấu dành riêng cho nhà vô địch được thiết kế với hình ảnh sư tử màu vàng kim (gold), khác với màu của badge thông thường. Kèm theo dòng chữ "CHAMPIONS 1992-1993".

asdsadasd

Badge của nhà vô địch sử dụng ở mùa giải 1993/94 (Source: Ross Kinnaird/ALLSPORT)

1997: BỘ FONT PREMIER LEAGUE ĐẦU TIÊN RA ĐỜI
Lần đầu tiên, font chữ áp dụng cho tất cả các CLB tham dự Premier League được ra đời. Font sử dụng phong cách Serif, có đổ bóng (shadow) ở phía sau và logo của giải đấu được đặt ở phía dưới của số. Bộ font cũng được thiết kế với nhiều màu sắc khác nhau: trắng, đen, đỏ, vàng, xanh biển, xanh đậm và vàng kim. Bộ font này đã trở thành đặc trưng cho thời đại thống trị của Manchester United và Arsenal lúc bấy giờ.

asdsadasd

Bộ font Premier League đầu tiên (Source: Google)

Bộ font này được sử dụng trong suốt trong khoảng thời gian 1997-2007. Vào mùa giải 1998/1999 - mùa giải ăn ba huyền thoại của Manchester United - các Quỷ Đỏ đã chinh phục chiếc cúp Champions League danh giá với font của Umbro trên lưng áo. Tuy nhiên vào lúc đó, không phải đội bóng nào cũng có font dành riêng cho các đấu trường cúp, các CLB này thường phải sử dụng font của Premier League mà không có logo Sử tử trên đó. Vào năm 2006, mùa giải lọt vào đến trận chung kết Champions League, Arsenal cũng sử dụng font Premier League để thi đấu. Nhưng điều thú vị là họ chỉ sử dụng trên áo sân khách, trong khi áo sân nhà năm đó lại có font khác.

asdsadasd

Bộ font Arsenal sử dụng tại UEFA Champions League 2005/06 (Source: Google)

2003: LẦN ĐẦU THAY ĐỔI BADGE PREMIER LEAGUE
Mùa giải 2003/04, badge giải đấu lần đầu được cập nhật. Vẫn giữ nguyên hình dạng tam giác ngược chủ đạo, phần hình chữ nhật cũ được thay bằng một hình dạng mới đẹp mắt và tinh tế hơn, tên giải đấu cũng được gắn liền với tên của nhà tài trợ chính thức - BARCLAYCARD PREMIERSHIP. Và tương tự trước đó, nhà vô địch sẽ có badge riêng với hình ảnh sư tử mang màu vàng kim đầy danh giá.

Badge Premier League phiên bản thường và của nhà vô địch sử dụng ở mùa giải 2003/04 (Source: Google)

2007: RA MẮT BỘ FONT VÀ BADGE PREMIER LEAGUE THẾ HỆ THỨ HAI
Bám sát phong cách mang tính biểu tượng của bộ font Premier League 1997-2007, giải đấu cấp cao nhất nước Anh cho ra đời bộ font cùng badge có diện mạo hoàn toàn mới, đồng thời cũng được sắp xếp vị trí hợp lý hơn trước.
Đây vẫn là font chữ mang phong cách Serif, các đường nét có phần mỏng hơn so với font cũ, phần đổ bóng được bỏ đi và thay bằng đường viền bao bọc hoàn toàn số và chữ. Cũng như trước đó, phiên bản mới cũng có đầy đủ màu sắc cho các CLB lựa chọn tùy theo màu áo.

Bộ font Premier League từ mùa giải năm 2007/08 (Source: Google)

Ngoài bộ font, mùa giải 2007/08 cũng trình làng badge mới mang hình dáng hoàn toàn khác so với phiên bản cũ. Hình dạng tam giác ngược được chỉnh sửa phần đáy trông gần giống với một hình thang, hình ảnh sư tử được thay đổi từ góc nhìn bên hông thành góc nhìn trực diện đồng thời chuyển thành 2 tông màu xanh trắng, logo của nhà tài trợ Barclay được thêm vào và chỉnh sửa phần tên giải đấu thành BARCLAYS PREMIER LEAGUE. Phiên bản của nhà vô địch không còn hình ảnh sư tử màu vàng kim, thay vào đó là đổi màu phần nền của badge.

Badge Premier League từ mùa giải năm 2007/08 (Source: Nhện Shop)

Badge trên tay áo của nhà vô địch mùa giải 2011/12 - Manchester City (Source: AMA/Corbis)

2016: LOGO/BADGE PREMIER LEAGUE THẾ HỆ KẾ TIẾP
Trong những năm 2010, những logo đơn giản dần trở thành xu thế trong các ngành công nghiệp, điển hình như những Google, Uber, Spotify, Starbuck,... hay chính các CLB đang thi đấu tại Premier League như Manchester City hay Liverpool, những đội bóng này có xu hướng sử dụng logo có thiết kế đơn giản hơn.
Premier League tiếp nối xu hướng bằng một phiên bản mới đầy đột phá. Được thiết kế bởi DesignStudio - công ty thiết kế đã từng giúp Airbnb tái định hình thương hiệu - chiếc logo mới đã đơn giản hóa hình ảnh sư tử biểu tượng, chỉ còn lại phần đầu đội vương miện nằm giữa vòng tròn. Hình dạng zig-zag được áp dụng cho phần viền của vòng tròn, trong khi phần nền của logo có các đường nét sấm sét được in màu xám mờ. Ngoài hình dáng, tên giải đấu trên logo PREMIER LEAGUE lần đầu tiên được đổi sang phong cách Sans-serif.
Logo mới cũng trở thành badge giải đấu được in trên tay áo, phiên bản màu xanh dành cho 19 đội bóng, phiên bản màu vàng gold kèm dòng chữ Champions dành cho nhà vô địch.

Badge Premier League từ mùa giải năm 2016/17 và phiên bản của nhà vô địch (Source: Nhện Shop)

2017: RA MẮT BỘ FONT PREMIER LEAGUE THẾ HỆ THỨ BA
Sau một năm ra mắt logo mới, Premier League tiếp tục cho ra bộ font mới. Giống như hai thế hệ trước, thế hệ font thứ ba cũng mang nhiều thay đổi lớn - có lẽ vì vậy mà ban tổ chức Premier League tốn thêm một năm để cân nhắc, thay vì được cho ra mắt cùng lúc với logo mới.
Có kích thước chữ to hơn, tròn hơn và rõ ràng hơn, đây là bộ font đầu tiên mang thiết kế phong cách Sans-serif của giải đấu. Phần viền bên ngoài được thiết kế dày hơn để làm nổi bật chữ cái, cùng với hình ảnh đầu sư tử được đặt ở phần đáy. Tuy nhiên, bộ font này có ít lựa chọn về màu sắc hơn trước. Màu vàng kim bị thay thế bởi màu vàng thông thường, còn lại màu đen, trắng, xanh biển và đỏ là các lựa chọn tiêu chuẩn như mọi khi. Bộ font này được sử dụng tới mùa giải 2022/23.

Bộ font Premier League từ mùa giải năm 2017/18 (Source: Google)

2023: BỘ FONT VÀ LOGO/BADGE CỦA PREMIER LEAGUE THAY ĐỔI LẦN THỨ TƯ - SỰ TỐI GIẢN ĐẦY TINH TẾ
Premier League đã yêu cầu nhà sản xuất Avery Dennison thiết kế bộ font mới cho mùa giải 2023/24 với các chữ cái rõ ràng hơn nữa so với phiên bản trước, đồng thời điều chỉnh kiểu dáng một cách tinh tế thay vì tạo ra một sự thay đổi lớn như trước đây. Sự thay đổi này đồng nghĩa với việc thế hệ 2017 trở thành bộ font có thời hạn sử dụng ngắn nhất trong lịch sử - chỉ 7 năm, nhưng đồng thời, đây cũng là lần thay đổi có ít sự đột phá nhất. Vẫn giữ nguyên phong cách Sans-serif trước đó, sự thay đổi chủ yếu nằm ở kích thước của số trên lưng áo - tăng thêm 10% so với phiên bản cũ. Họa tiết sấm sét được in mờ trên nền của font.

Bộ font Premier League kể từ mùa giải năm sau (Source: Avery Dennison)

Sự thay đổi lớn nhất của mùa giải kế nằm ở logo giải đấu, logo thế hệ mới được tối giản hoàn toàn, loại bỏ phần vòng tròn, chỉ để lại hình ảnh đầu sư tử với hai màu tím và trắng. Vào mùa giải kế tiếp, cả font lẫn badge sẽ có phiên bản riêng dành cho nhà vô địch mang màu vàng kim và trắng.

Badge Premier League kể từ mùa giải năm sau cùng font dành riêng cho nhà vô địch Manchester City (Source: Footy Headlines)

Bài viết trên đã tổng hợp đầy đủ các cột mốc thay đổi của font và badge Premier League từ lúc thành lập cho đến hiện tại. Hy vọng rằng trong tương lai, những thế hệ kế tiếp sẽ mang nhiều nét đột phá và đẹp hơn nữa để tô điểm thêm cho những chiếc áo đấu, hãy cùng chờ đón nhé.


Hiện tại, ở Nhện Shop đang có các sản phẩm font và badge với đầy đủ phiên bản chính hãng lẫn remake, anh em có thể tham khảo đường link phía dưới để lựa chọn cho chiếc áo đấu của mình những font chữ và badge giải đấu đẹp nhất và phù hợp nhất: Các sản phẩm font và badge có sẵn tại Nhện Shop

 

Bài viết tổng hợp nhiều thông tin từ các nguồn như Twitter, Google, Wikipedia, Footy Headlines cùng bài viết Every Premier League badge and font EVER của tác giả Mark White trên trang FourFourTwo

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Giỏ hàng( Sản phẩm)

avatar
Xin chào
close nav