logo Nhện Shop

ÁO BÓNG ĐÁ CHÍNH HÃNG, RẺ HAY ĐẮT?

Đăng bởi Phát vào lúc 09/07/2023

Mỗi năm, có hàng triệu chiếc áo đấu được bán trên khắp thế giới, song hành với sự phát triển của bóng đá, sản xuất áo đấu cũng dần trở thành một trong những ngành công nghiệp lớn nhất toàn cầu. Không ngoại lệ, thị trường áo đấu ở Việt Nam đang ngày càng trở nên sôi nổi, một bộ phận người hâm mộ dần có xu hướng chuyển sang sử dụng các sản phẩm chính hãng nhiều hơn trước. Tuy nhiên, giá cả của một chiếc áo đấu hiện vẫn còn là một trở ngại đối với đại đa số người hâm mộ Việt Nam. Mùa giải năm nay, một chiếc áo replica (bản fan) của Adidas có giá trung bình khoảng £78 (78 bảng Anh tương đương khoảng 2.370.000VNĐ), với phiên bản authentic (bản player) có giá lên đến £117 (khoảng 3.560.000VNĐ), và thậm chí giá còn cao hơn đối với các sản phẩm đến từ Nike. Vậy liệu rằng những cái giá trên có thực sự hợp lý?

 

GIÁ ÁO ĐẤU ĐÃ, ĐANG VÀ SẼ LUÔN TĂNG THEO THỜI GIAN

Trên thực tế, về mặt chữ số thì giá của áo đấu đã tăng mạnh trong suốt lịch sử, lấy cột mốc mùa giải Premier League đầu tiên được tổ chức vào năm 1992/93, thời điểm đó, một chiếc áo đấu bản fan của Manchester United có giá bán £30, nhưng cho đến nay giá của phiên bản mới nhất đã tăng lên đến £78. Lời giải cho sự tăng giá này đến từ một khía cạnh kinh tế không quá xa lạ, chính là sự lạm phát. Đồng bảng Anh (ký hiệu: £) hiện nay đã mất 62% giá trị so với 30 năm trước, £1 của năm 1993 trị giá tương đương với £2,61 năm 2023 hiện tại, như vậy với áo đấu của Manchester United - £78 nếu tính ngược lại sẽ có giá trị khoảng £29.89 vào năm 1993. Tức là giá tiền vẫn luôn tăng về mặt chữ số theo mức lạm phát, còn về giá trị gần như không thay đổi kể từ thời điểm Premier League ra đời.

Giá áo đấu bản fan của Manchester United được bán trên cửa hàng trực tuyến United Direct của CLB.

Lý do thứ hai khiến người hâm mộ phải chi trả nhiều hơn cho áo đấu, thật bất ngờ là nó lại đến từ chính bản thân họ - nhu cầu. Các tín đồ áo đấu hầu hết đều biết, chúng ta luôn luôn có 2 phiên bản để lựa chọn: replica (fan) và authentic (player). Ở bản fan, nhà sản xuất luôn chú trọng điều chỉnh thiết kế sao cho người mặc cảm thấy thoải mái nhất, có thể mặc như thời trang phổ thông, sử dụng thoải mái trong hầu hết mọi hoạt động hàng ngày. Còn với bản player, đây là phiên bản được thiết kế chuyên biệt dành cho cầu thủ thi đấu, vật liệu, công nghệ, kỹ thuật gia công đều được sử dụng những loại tốt nhất, nhằm mang đến sự thoải mái khi vận động với cường độ cao trên sân. Ngoài ra, thiết kế của bản player cũng được mang lên nhiều họa tiết hơn nhằm tạo điểm nhấn. 

Áo đấu Arsenal 2023/24 phiên bản player và fan được đặt cạnh nhau.

Với những khác biệt kể trên, không lạ khi giá tiền của bản player cao hơn rất nhiều so với bản fan. Và từng con số, tên cầu thủ, huy hiệu giải đấu (badge), huy hiệu thông điệp, huy hiệu vô địch, chi tiết trận đấu (match detail - thường dùng cho các trận chung kết),... tất cả những lựa chọn đi kèm đó cũng khiến giá trị của chiếc áo tăng lên một phần không nhỏ. Tuy nhiên, có rất nhiều người lựa chọn chi trả cao hơn để mang về cho mình những chiếc áo player, có thể là lưu giữ kỷ niệm về những sự kiện đặc biệt, hoặc bản thân có thể trải nghiệm cảm giác mặc những chiếc áo giống như những L.Messi hay C.Ronaldo khoác lên người, chính vì nhu cầu đó, các sản phẩm với chất lượng tốt nhất được bán ra với giá cả và sự cao cấp tương xứng với trải nghiệm và giá trị.

Leo Messi trong trận chung kết World Cup 2022. Áo đấu phiên bản player với đầy đủ chữ số, badge giải đấu, badge thông điệp và match detail.

Ngoài những phiên bản có thể mua trực tiếp hàng năm, một bộ phận người hâm mộ còn có những sở thích "chơi" áo đấu thú vị hơn như sưu tầm áo có chữ ký cầu thủ, áo của những mùa giải đã qua từ rất lâu và không còn sản xuất, hoặc cao cấp hơn là những chiếc áo đấu được chính cầu thủ mặc trên sân (thường gọi là áo match-worn). Những chiếc áo trên không chỉ mang đến cho người sở hữu những giá trị tinh thần cực lớn mà giá trị tiền bạc đi kèm cũng không phải là con số nhỏ.

Những chiếc áo match-worn có giá trị rất cao khi mà không phải chỉ cần có tiền là có thể sở hữu. Đặc biệt là những chiếc áo được sử dụng trong các trận chung kết lớn.

 

CHÚNG TA ĐÃ CHI TRẢ NHỮNG GÌ CHO MỘT CHIẾC ÁO ĐẤU?

Thế nhưng, bạn có biết rằng chi phí sản xuất của một chiếc áo đấu chỉ chiếm khoảng £8? Vậy điều gì khiến chúng được bán ra với giá gấp 10 lần? Có phải người hâm mộ đã bị các ông chủ xấu xa "móc túi" trong nhiều năm qua? Hãy cùng tìm hiểu xem khi mua một chiếc áo đấu, ta đã phải chi trả cho những khoảng chi phí nào. Tất cả các số liệu dưới đây được trích từ nghiên cứu của Tiến sĩ người Đức Peter Rohlmann - một chuyên gia marketing, số liệu có thể không hoàn toàn chuẩn 100%, nhưng có thể gần sát với các con số thực tế.

Áo đấu của đội tuyển Đức sử dụng tại World Cup 2018 do Adidas sản xuất. (Nguồn: Athletic Interest)

Lấy ví dụ đầu tiên, áo đấu World Cup 2018 của đội tuyển Đức của hãng Adidas có giá khoảng €90 (90 euro):

  • €8,6 (9,5% tổng giá trị) - Production - Chi phí sản xuất: Đây là chi phí để một chiếc áo đấu từ việc được gia công cho tới khi được vận chuyển tới nhà kho của Adidas. Chi phí gia công một chiếc áo rơi vào khoảng gần €8. Tuy nhiên, những chiếc áo đấu này được may từ nhiều nơi trên thế giới (phần lớn là khu vực châu Á), điều này đòi hỏi sau khi thành phẩm, cần tốn một khoảng chi phí cho việc vận chuyển. Và rồi khi vận chuyển, không tránh khỏi những rủi ro như mưa bão hoặc tai nạn, những tác động có thể khiến hàng ngàn chiếc áo bị tổn hại, vậy nên Adidas buộc phải mua thêm bảo hiểm cho những trường hợp không thể lường trước. Và rồi sau khi cập bến, những kiện hàng này tiếp tục phải chi trả thuế hải quan. Như vậy, chi phí gia công, vận chuyển, bảo hiểm và hải quan, tất cả chúng đã góp phần trong chi phí sản xuất.
  • €39,64 (44% tổng giá trị) - Retailer - Chi phí cho các nhà bán lẻ: Khi mua áo, rõ ràng là chúng ta sẽ không đến thẳng nơi của Adidas để mua hàng, chúng ta sẽ mua thông qua các kênh thương mai trực tuyến, cửa hàng câu lạc bộ hoặc các cửa hàng Adidas địa phương. Lợi nhuận cho các cửa hàng này chiếm một phần lớn trong giá cả của những chiếc áo. Dù thế, nhà bán lẻ cũng phải chi trả hàng loạt chi phí như lương nhân viên, mặt bằng bán hàng, chi phí quảng bá cửa hàng,... Sau cùng, chủ sỡ hữu của các cửa hàng còn lại cho bản thân khoảng €3 ~ €4 từ một chiếc áo.
  • €14,36 (20% tổng giá trị) - Taxes - Các loại thuế mà Adidas phải chịu.
  • €2,6 (2,9% tổng giá trị) - Marketing - Các chi phí quảng cáo. Lương của đội ngũ marketing, chụp ảnh, quay video, các chiến dịch quảng bá sản phẩm,... nhằm tạo ra tiếng vang lớn trên các nền tảng xã hội để thu hút người mua.
  • €2,25 (2,5% tổng giá trị) - Distribution - Các chi phí phân phối sản phẩm. Ví dụ như vận hành bộ phận kinh doanh, chi phí chiết khấu cho các cửa hàng,...
  • €5,5 (6,1% tổng giá trị) - Federation - Liên đoàn bóng đá: Adidas cũng chi trả cho liên đoàn bóng đá Đức để được cấp quyền sản xuất và kinh doanh áo đấu của đội tuyển quốc gia, có thể hiểu tương tự như chi phí bản quyền.
  • €17 (15% tổng giá trị) - Manufacturer - Lợi nhuận còn lại cho nhà sản xuất: Đây là khoản tiền còn lại dành cho Adidas, đây vẫn là một mức lợi nhuận cao nhưng ít nhất cũng không phải là mức doanh thu phi thực tế như một số bài báo đăng tải.

Một số bài báo cố ý gây sự tranh cãi khi cho rằng các nhà sản xuất đã "móc túi" người hâm mộ với việc bán áo giá gấp 10 lần chi phí sản xuất, được đăng tải trên các tờ báo The Sun và Mirror

Ví dụ thứ hai là áo đấu của Manchester United (MU) mùa giải 23/24. Tương tự như áo của đội tuyển Đức, với một chiếc áo bản fan của MU có giá khoảng £80, các thành phần chi phí bao gồm: £8 chi phí sản xuất; £2,4 chi phí marketing; £26,4 chi phí cho nhà bán lẻ; £13,33 thuế; £1,6 chi phí phân phối; £4.8 chi phí bản quyền cho MU và £23,47 cho nhà sản xuất Adidas. Những con số trên có thể thay đổi theo từng năm, hầu hết các nhà sản xuất cũng chịu trách nhiệm định giá áo đấu của mình dựa trên các hợp đồng tài trợ cho câu lạc bộ cùng các hợp đồng kinh doanh khác. 

Các thành phần trong giá cả của một chiếc áo bản fan của Manchester United mùa giải 2023/24. (Nguồn: Daily Mail) 

Theo tờ Daily Mail, tương tự như Manchester United, áo đấu mùa 2023/24 của Arsenal cũng tăng giá với mức tương tự. Ngoài ra, các CLB khác cũng tăng khoảng £5 cho mỗi chiếc áo bản fan so với mùa trước, có thể kể đến như Manchester City (£75), Liverpool (£74.95),  Aston Villa (£70), Newcastle (£70), Everton (£65), Crystal Palace (£60) và Wolves (£60).

Bảng giá được áp dụng cho áo đấu bản fan, áo người lớn, tay ngắn và không bao gồm in ấn. Được tổng hợp từ cửa hàng trực tuyến của các CLB. (Nguồn: Daily Mail)

Như vậy bài viết trên đã cung cấp cho anh em nhiều thông tin hơn về giá cả và những khoản chi phí mà chúng ta phải trả khi mua về cho bản thân một chiếc áo đấu. Có thể thấy rằng, tuy không quá rẻ nhưng những khoản chi phí này cũng không hề bất hợp lý. Bên cạnh đó, khi chúng ta đã là người hâm mộ của một đội bóng, hãy ủng hộ CLB bằng cách mua ít nhất một áo đấu chính hãng một mùa, một áo đấu có thể không mang lại quá nhiều doanh thu cho đội, nhưng hàng triệu chiếc áo đấu được bán ra sẽ mang về cho CLB một số tiền lớn mà biết đâu tương lai có thể dùng để đầu tư vào cơ sở hoặc đội hình thi đấu. Hơn nữa, giá trị tinh thần của một chiếc áo đấu mang lại là điều vô giá mà chúng ta không thể đong đếm.

Bài viết trên tổng hợp các thông tin từ kênh youtube Athletic Interest và tờ báo Daily Mail.

Hiện tại, áo đấu mùa giải 2023/24 của các đội bóng đã lên kệ tại Nhện Shop, đầy đủ các phiên bản fan và player, cả chính hãng lẫn hàng cao cấp Thái Lan (chuẩn chi tiết 100%). Khi có nhu cầu mua áo, anh em có thể tham khảo qua website Áo đấu mùa 2023/24 hoặc liên hệ với shop để được tư vấn trực tiếp thông qua facebook Nhện Shop.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Giỏ hàng( Sản phẩm)

avatar
Xin chào
close nav